Giá xăng dầu tăng cao là thách thức không hề nhỏ với các công ty logistics ở Đông Nam Á.
Nếu chiến sự ở Ukraine không hạ nhiệt, nhiều công ty logistics ở Đông Nam Á còn đau đầu với bài toán điều chỉnh giá dịch vụ vì giá xăng dầu tăng cao, theo Tech in Asia.
Tại Singapore, giá nhiên liệu là 2,4 USD/lít vào tháng 6, mức cao nhất trong khu vực. Còn ở Việt Nam và Philippines, giá xăng đạt 1,4 USD/lít, trong khi mức giá tại Indonesia và Malaysia vẫn bình ổn.
Về lâu về dài, giá nhiên liệu biến động sẽ gây ảnh hưởng đến các công ty logistics, công ty thương mại điện tử. Vì nhiên liệu là chi phí ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận hành. Điển hình như Amazon, ông trùm ngành thương mại điện tử thế giới đã tăng 5% phụ phí nhiên liệu từ ngày 28/4.
Ông Zaldy Masita, CEO công ty logistics Indonesia Paxel cho rằng, giá nhiên liệu tăng có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng và gây tác động tiêu cực đến khối lượng giao dịch hàng hóa trên nền tảng online và truyền thống.
Hiện tại, một số công ty logistics và thương mại điện tử ở Đông Nam Á chọn phương án “án binh bất động” để quan sát thêm. Ví dụ như các công ty ở Indonesia và Malaysia chưa có bất kỳ động thái nào vì giá năng lượng trong nước vẫn được Chính phủ trợ giá. Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia như Deliveree lại bắt đầu tăng giá dịch vụ.
Cuộc đua tăng giá dịch vụ
Deliveree, một công ty khởi nghiệp hoạt động theo mô hình sở hữu ít tài sản (asset-light) cho rằng, giá nhiên liệu tăng ở Thái Lan và Philippines làm ảnh hưởng đến hoạt động của họ. “Chắc chắn là có một mức tăng giá vừa phải”, ông Tom Kim, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Deliveree nói.
Dù tăng giá dịch vụ nhưng Deliveree cho rằng phần này không thể bù vào giá nhiên liệu cao. Để giảm bớt áp lực cho các đối tác logistics, Deliveree đã hạ tỷ lệ phí thu từ 17% đến 18% xuống 12% trong năm nay. “Chúng tôi kỳ vọng mức phí này sẽ được duy trì trong 3 năm tới”, ông Kim nói.
Một công ty khác là Gogox cũng thực hiện chiến lược tương tự Deliveree khi điều chỉnh tỷ lệ thu phí dựa trên các diễn biến kinh tế vĩ mô.
Paxel, công ty hợp tác với sàn thương mại điện tử Tokopedia và Blibli, cho biết sẽ tính thêm phụ phí nếu giá nhiên liệu tăng ở Indonesia. Đổi lại, công ty sẽ tăng ưu đãi cho các đối tác. Tuy nhiên, mức ưu đãi cụ thể là bao nhiêu vẫn chưa được Paxel xác định vì giá nhiên liệu Indonesia khá ổn định nhờ các khoản trợ giá từ Chính phủ.
Trong khi đó, J&T Express cho biết chưa có kế hoạch tăng giá vận chuyển. Tuy nhiên, hãng cho rằng, giá nhiên liệu tăng cao đang ảnh hưởng đến chi phí vận hành. “Từ khi dịch bùng phát, chúng tôi cố gắng tồn tại và không tăng chi phí logistics”, ông Robin Lo, CEO J&T Express, nói.
Liệu khách hàng có rời đi?
Sự ổn định giá cả là điều tiên quyết với công ty logistics phụ thuộc vào mảng thương mại điện tử. Theo Tech in Asia, logistics của bên thứ 3 là một dịch vụ không có nhiều chỗ cho sự khác biệt. Thông thường, khách hàng sẽ chọn đơn vị có giá dịch vụ thấp nhất và mức độ chất lượng có thể chấp nhận.
Việc tăng giá dịch vụ có thể khiến khách hàng rời đi vì họ có nhiều sự lựa chọn trên thị trường. “Công ty đầu tiên tăng giá nhiều khả năng sẽ là công ty mất khách hàng đầu tiên”, một chuyên gia logistics nhận định.
Roshan Raj, một đối tác tại Reedseer Strategy Consultants, cho rằng, ông chưa thấy việc tăng giá giao hàng sẽ ảnh hưởng đến số lượng giao dịch hoặc khối lượng giao hàng. Do đó, các công ty có thể dùng chiến lược tăng giá với các dịch vụ cao cấp.
Các “ông trùm” thương mại điện tử như Lazada cho biết, họ đang kiểm soát ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng đối với mảng logistics. Trong khi đó, Tokopedia tuyên bố hợp tác với 13 đối tác logistics để đảm bảo việc giao hàng được thực hiện hiệu quả.
Tuy nhiên, các công ty thương mại điện tử vẫn có nỗi lo riêng. Ông Bima Laga, chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Indonesia, cho rằng, giá xăng tăng có thể làm ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng.
Hiện tại, các công ty logistic đều tối ưu hóa hiệu suất và chi phí vận hành để kiểm soát cục diện. Bằng chứng là việc Deliveree sử dụng một hệ thống có tên Brain để tối ưu tuyến đường dựa trên địa điểm của tài xế. Qua đó, tỷ lệ tận dụng hiệu quả xe được nâng lên 60 – 80%, trước kia là 40%. J&T Express cũng sử dụng máy phân loại hàng tự động ở kho và tìm kiếm các tuyến đường hiệu quả hơn.
Admin (Theo báo Dân Trí)