Các báo cáo tài chính gần đây cho thấy bộ tứ thương mại điện tử Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đang nỗ lực để giảm lỗ khi mà họ đang ở trong một lĩnh vực đã nổi tiếng với mức độ đốt tiền cao.
Theo phân tích của DealStreetAsia, Lazada Việt Nam (do Recess Co Ltd vận hành) thậm chí còn ghi nhận khoản lãi nhỏ 170,3 tỉ đồng (7,3 triệu USD) cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31-3-2021. Nhưng trong năm tài chính tiếp theo, công ty lại rơi vào tình trạng thua lỗ, nhưng đó là một con số khiêm tốn với 31,4 tỉ đồng (1,3 triệu USD).
Shopee, Tiki và Sendo cũng chứng kiến mức giảm lỗ trong 2 đến 3 năm qua.
Trong một thị trường mà giá cả mang tính quyết định như Việt Nam, việc đạt được lợi nhuận trong thương mại điện tử không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên.
Nói về chiến lược giữ chân khách hàng của các những người khổng lồ thương mại điện tử, ông Vlad Savin – Giám đốc phát triển kinh doanh của công ty Acclime Việt Nam nhận xét: “Sau khi hết chương trình khuyến mãi, người dùng sẽ được chuyển sang một chương trình khuyến mãi lớn tiếp theo. Mục đích là chuyển đổi những người tiêu dùng thích khuyến mãi này thành khách hàng trung thành, đòi hỏi sự đầu tư đáng kể vào nhận diện thương hiệu, trải nghiệm người dùng, chất lượng sản phẩm và quy trình hậu cần.”
Là một phần trong kế hoạch cắt lỗ, một số công ty thương mại điện tử của Việt Nam đã cắt giảm số lượng nhân viên trong những năm qua.
Chẳng hạn, số lượng nhân viên của Tiki đã giảm từ 1.728 người vào năm 2019 xuống còn 895 người vào tháng 3 năm 2021. Tương tự trong khoảng thời gian này, số lượng nhân viên Sendo giảm từ 984 xuống còn 517 người.
Trong khi Shopee Việt Nam tăng số lượng nhân viên trong giai đoạn 2019-2021 lên 3.211 (tính đến cuối năm 2021), thì vào tháng 7-2022, DealStreetAsia ghi nhận công ty này đang tiến hành sa thải hàng loạt nhân viên tại nhiều thị trường, bao gồm Việt Nam.
Riêng Lazada đã tăng nhân viên lên 614 người (tính đến cuối tháng 3-2022) so với 413 và 317 trong hai giai đoạn trước đó.
Chắc chắn, các công ty thương mại điện tử này vẫn đang chịu lỗ lũy kế lớn mặc dù khoản lỗ đã thu hẹp.
Kiểm toán viên cũng đặt ra câu hỏi về tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của các công ty thương mại điện tử. PricewaterhouseCoopers (PwC) đã kiểm toán các con số của Recess (chủ sở hữu Lazada) cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31-3-2022, cho biết trong thông cáo: “Khoản lỗ lũy kế của công ty tính đến ngày 21-3-2022 đã vượt quá giá trị vốn chủ sở hữu ở mức 76.000 tỉ đồng. Điều này gây ra những nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động của công ty.”
Tuy nhiên, PwC nói thêm rằng Alibaba, với tư cách là chủ sở hữu cuối cùng của Recess, đã cam kết hỗ trợ tài chính cho công ty. Tập đoàn này có thể trả các khoản nợ để công ty con tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Ernst & Young (EY), đơn vị kiểm toán của Shopee Việt Nam, đã xác nhận điều tương tự trong báo cáo tài chính năm 2021 của công ty. EY cho biết Sea Limited cam kết hỗ trợ Shopee Việt Nam thanh toán các khoản nợ và tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Hoạt động thương mại điện tử thường dựa vào các vòng tài trợ liên tiếp nếu doanh nghiệp không được hỗ trợ bởi công ty mẹ.
Tiki đã đóng vòng Series E trị giá 258 triệu USD vào tháng 11-2021, trước khi đảm bảo khoản đầu tư tiếp theo từ Shinhan Financial vào đầu năm nay. Trong khi đó, DealStreetAsia báo cáo rằng Sendo đã huy động được gần 57 triệu USD thông qua các khoản vay chuyển đổi kể từ năm 2020. Tại cả Tiki và Sendo, khoản lỗ lũy kế đã vượt quá giá trị vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối kế toán.
“Chúng tôi nhận thấy rằng các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn trong việc cung cấp các gói tài trợ, thay vào đó họ mong đợi kết quả rõ ràng hoặc ít nhất là chiến lược rõ ràng để thu được lợi nhuận trong ngắn hạn và trung hạn,” ông Vlad Savin của Acclime Việt Nam nhận định. Ông Savin mới đây cũng đã xuất bản báo cáo “Trục thương mại điện tử ở Việt Nam 2022.”
“Những công ty đã có mặt tại Việt Nam sẽ yêu cầu các chiến lược rõ ràng để giữ chân người tiêu dùng, sự tăng trưởng cũng như lợi nhuận ròng, thay vì chỉ thúc đẩy bằng các vòng tài trợ – thường được sử dụng trong nhiều chiến dịch khuyến mãi tốn kém mà không tạo ra giá trị lâu dài,” ông Savin nói thêm.
Ngay cả khi các công ty thương mại điện tử đã thu hẹp khoản lỗ, với việc Lazada thậm chí còn được hưởng lợi nhuận hàng năm, doanh thu vẫn không mấy ấn tượng.
Các công ty “cây nhà lá vườn” của Việt Nam trông yếu thế so với các công ty trong khu vực dựa trên doanh thu kiếm được. Trong khi Shopee và Lazada lần lượt đạt doanh thu 243,2 triệu USD vào năm 2021 và 256 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào 31-3-2022, thì doanh thu của Tiki và Sendo lại nhạt nhẽo. Số liệu bán hàng của Sendo thậm chí còn giảm hơn một nửa trong giai đoạn 2019-2021.
Làm thế nào các công ty này duy trì tăng trưởng doanh thu của họ – vốn đang ở trên băng mỏng, trong bối cảnh tình hình chiến sự ở Ukraine và giá dầu/khí đốt tăng đã gây ra tình trạng lạm phát ở nhiều quốc gia.
Ông Dennis Lien, Giám đốc tại Việt Nam của Công ty tư vấn YCP Solidance, cho biết: “Lạm phát chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiêu dùng Việt Nam, vốn bị chi phối nhiều bởi giá cả hơn là chất lượng, đặc biệt đối với một số loại sản phẩm như hàng tiêu dùng.”
Còn ông Savin nói rằng lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến giá cả của các sản phẩm thương mại điện tử mà còn ảnh hưởng đến hoạt động hậu cần. Ông nói: “Những nhà cung cấp nào tập trung vào cải thiện chiến lược hoạt động hậu cần, thực hiện các mô hình sáng tạo để cải thiện chi phí chuỗi cung ứng, làm cho chúng nhanh hơn và hiệu quả hơn, sẽ là những nhà cung cấp có thể duy trì lợi nhuận và thị phần của họ.”
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng con đường dẫn đến lợi nhuận rất khó khăn vì lòng trung thành của người tiêu dùng thấp, đầu tư vào hạ tầng hậu cần thương mại điện tử tốn kém và chậm, và việc áp dụng các công nghệ mới đòi hỏi những bí quyết và nguồn lực chuyên gia.
Các nhà phân tích cho rằng sự gián đoạn kinh tế hiện nay sẽ tiếp tục làm chậm tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở một thị trường vốn dựa vào giá như Việt Nam.
“Như chúng ta đã thấy trong một số ngành khác, chẳng hạn như chia sẻ xe công nghệ, cạnh tranh về giá chỉ lành mạnh ở một mức độ nhất định trước khi có sự không hài lòng giữa người bán, người dùng hoặc nhà cung cấp nền tảng,” ông Dennis Lien nói.
Bất chấp tình hình hiện tại, ở cấp độ khu vực, Shopee vẫn có hy vọng có EBITDA dương. (EBITDA viết tắt của cụm từ lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay – hay còn được gọi là lợi nhuận hoạt động của công ty, doanh nghiệp – PV)
Ông Forrest Li (Lý Tiểu Đông), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành nhóm của Sea Limited, cho biết trong cuộc họp báo về thu nhập quý 1 năm 2022 của công ty vào tháng 5 rằng, Shopee “đang đi đúng hướng để đạt được EBITDA điều chỉnh dương trước khi phân bổ chi phí HQ trong khu vực (Đông Nam Á và Đài Loan).” Ông cho biết thêm, công ty thậm chí còn kỳ vọng EBITDA điều chỉnh dương sau khi phân bổ chi phí HQ vào cuối năm sau.
Shopee định nghĩa “chi phí HQ” – hay “chi phí chung của trụ sở” – là chi phí nhân viên cùng với chi phí quản lý chung như xây dựng cơ sở vật chất và chi phí đặt máy chủ. Nói cách khác, đó là chi phí hoạt động trực tiếp mà công ty phải gánh chịu khi mở rộng thị trường.
Những người chơi khác cũng đã đưa ra các chiến lược khác nhau để giành được khách hàng. Tiki đang tập trung phát triển mảng kinh doanh TikiNow Smart Logistics nội bộ, có khả năng giao hơn 200.000 gói hàng mỗi ngày trên khắp cả nước, theo báo cáo thương mại điện tử của Acclime Việt Nam. Ngoài ra, Tiki cũng đang đẩy mạnh dịch vụ giao hàng TikiNow trong 2 giờ và giao hàng trong 1 giờ đối với hàng tươi sống.
Trong khi đó, Sendo đã chuyển trọng tâm sang hàng tạp hóa trực tuyến và các sản phẩm từ nông trại đến bàn ăn.
Hai năm trước, truyền thông đã từng đưa tin về nỗ lực sáp nhập của hai công ty trong nước là Tiki và Sendo để giành ưu thế trước Shopee và Lazada tại thị trường nội địa. Ngay cả khi kế hoạch thất bại, các nhà phân tích vẫn cho rằng sáp nhập là lời giải cho bài toán sinh lời.
“Lịch sử cho chúng ta biết rằng trong thời điểm tăng trưởng chậm hoặc không chắc chắn, khi các nhà đầu tư thúc ép kết quả, sáp nhập là một trong những câu trả lời, cho phép các thương hiệu tăng doanh thu và phát triển cơ sở người dùng của họ nhanh chóng, từ đó chuyển tiếp nhanh sang con đường hướng tới lợi nhuận,” ông Vlad Savin nói.
Mặc dù trên thị trường thương mại điện tử vẫn có một số startup sống được ở thị trường ngách, một số công ty nhỏ và không nổi tiếng đang tồn tại, nhưng việc hợp nhất “sẽ vẫn cần phải diễn ra“, ông Liên nói.
Trong tương lai, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, so với 13 tỷ USD vào năm 2021, theo báo cáo của Acclime Việt Nam.
Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi tỷ lệ dân số mua sắm trực tuyến của Việt Nam cao nhất so với các quốc gia Đông Nam Á khác, ở mức 78,7%. Nó cũng được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài nhất quán vào nền kinh tế số của đất nước, tỷ lệ thâm nhập internet ngày càng tăng và tốc độ đô thị hóa cao, phù hợp với cam kết của chính phủ trong việc đưa ra các chính sách quản lý hiệu quả để hỗ trợ mua sắm trực tuyến vào năm 2025.
Theo thống kê thị phần doanh số 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 của Metric thì Shopee hiện là sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam khi chiếm đến gần 73% tổng doanh số 4 sàn, tương ứng với khoảng 33,5 nghìn tỉ. Lazada là sàn đứng thứ 2, chiếm 20% với doanh thu 9,7 nghìn tỉ, bằng 1/3 doanh số Shopee. Tiki và Sendo lần lượt chiếm vị trí số 3, 4 với thị phần doanh thu 5,8% và 1,4%.