Báo cáo “The e-Commerce Pivot in Vietnam 2022” do Kantar Worldpanel phối hợp với Acclime công bố cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ.
Tổng giá trị hàng hóa dự kiến đạt 39 tỉ USD vào năm 2025
Theo số liệu của báo cáo, tổng giá trị hàng hóa của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 đạt 13 tỉ USD, tăng 5 tỉ USD so với năm 2020. Các chuyên gia dự đoán, đến năm 2025 thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt mức 39 tỉ USD.
Năm 2021, Việt Nam có 73,2% dân số dùng Internet trong khi Philippines, Malaysia và Thái Lan cũng có tỷ lệ tương tự. Mặc dù đứng thứ 6 về lượng người sử dụng Internet nhưng Việt Nam lại có tỷ lệ dân số mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á, với 49,3 triệu người.
Theo bảng thống kê của Statista về 10 nền tảng TMĐT có lượt truy cập trung bình tháng cao nhất Đông Nam Á năm 2020, có thể thấy sự xuất hiện của 5 doanh nghiệp Việt là Thế giới di động, Tiki, Bách hóa xanh, Sendo và FPT Shop. Lượng traffic trung bình hàng tháng của 5 nền tảng này là 81,6 triệu, đứng thứ 2 Đông Nam Á chỉ sau Indonesia.
Theo thống kê của Kantar Worldpanel, Việt Nam có lượt mua sắm trực tuyến năm 2021 nhiều hơn 65% so với năm trước. Thị trường TMĐT Việt Nam không chỉ gói gọn trong vài “ông lớn” mà có hàng trăm nền tảng trong và ngoài nước đang cạnh tranh từng ngày. Riêng tại TP.HCM có tới 567 nền tảng TMĐT đang hoạt động. Khoảng cách phát triển TMĐT giữa 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM với các tỉnh thành khác đang được thu hẹp. Nhiều dịch vụ tiện ích thương mại đã có mặt tại các địa phương, tỉnh lẻ của Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý là 29,3% dân số Việt Nam vẫn chưa tham gia TMĐT (so với nước láng giềng Thái Lan là 10,1%) cho thấy dư địa cho TMĐT Việt Nam phát triển vẫn còn khá lớn.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain& Company, thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua Malaysia và Thái Lan vào năm 2025.
3 động lực thúc đẩy thị trường TMĐT
Theo ông Vlad Savin, Giám đốc phát triển kinh doanh của Acclime Việt Nam, có 3 động lực chính góp phần thúc đẩy sự phát triển của TMĐT Việt Nam, đó là: Mức độ thâm nhập Internet cao; số người thuộc tầng lớp trung lưu gia tăng; và nhà nước cam kết hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Đối với động lực thứ nhất, thống kê của Statista cho thấy lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam năm 2021 là 72,53 triệu người, chiếm 77,4% dân số, cao hơn cả Indonesia với 76,8%. Khả năng tiếp cận Internet băng thông rộng cũng như việc sử dụng thiết bị thông minh ngày một nhiều đã giúp ngành TMĐT tăng trưởng nhanh.
Về động lực thứ hai, nghiên cứu của World Data Lab cho thấy số lượng người trung lưu đang gia tăng nhanh chóng và dự kiến đạt 21 triệu người vào năm 2030. Hà Nội và TP.HCM là nơi tập trung tầng lớp trung lưu. Theo McKinsey, tầng lớp này sẵn sàng chi ít nhất 11 USD/ngày cho mua sắm trực tuyến, góp phần làm thay đổi bộ mặt ngành TMĐT ở Việt Nam.
Động lực thứ ba – sự hỗ trợ chuyển đổi số của nhà nước. Từ năm 2018 khi nhiều doanh nghiệp TMĐT nước ngoài gia nhập thị trường Việt, các cơ quan chức năng đã thực thi những chính sách để TMĐT trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế số.
3 mô hình TMĐT phổ biến ở Việt Nam
Thị trường TMĐT Việt Nam tồn tại 3 mô hình phổ biến là B2C (từ doanh nghiệp tới khách hàng), Social Commerce (mua bán qua nền tảng mạng xã hội) và B2B (từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp).
B2C là hình thức TMĐT phổ biến nhất tại Việt Nam, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Có thể kể đến 4 “ông lớn” là Shopee, Tiki, Lazada và Sendo. Họ đua nhau “đốt tiền” các chương trình khuyến mãi “khủng” nhằm thu hút khách hàng, chiếm được thị phần. Nhờ đó mà doanh thu TMĐT năm 2021 đã tăng 62% so với năm trước đó, đạt mức 13 tỉ USD.
Theo thống kê của Statista, 4 nền tảng được người dùng lựa chọn để mua sắm nhiều nhất là Shopee, Lazada, Bách hóa Xanh và Tiki. Còn nếu tính về lượt truy cập hàng tháng, thì dẫn đầu là website Thế giới Di động với khoảng 60 triệu lượt, sau đó là Điện máy Xanh, Tiki và Bách hóa Xanh.
Social Commerce (mua sắm qua mạng xã hội) là hình thức thương mại khá phổ biến tại Việt Nam nhờ có số lượng người dùng đông đảo các nền tảng như Facebook, Zalo, TikTok. Theo số liệu thống kê tính tới tháng 6 /2021 của NapoleonCat, tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người. Còn theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng của Zalo đạt 74,7 triệu vào tháng 2/2022.
Bạn có ngạc nhiên không khi quy mô thị trường Social Commerce Việt Nam chiếm tới 65% quy mô thị trường khu vực. Mặc dù gần đây Facebook cũng đã thay đổi thuật toán để hạn chế những thương nhân không trả tiền sử dụng nền tảng, nhưng các thương nhân này vẫn có các cách “lách” để tiếp tục lôi kéo người mua trên nền tảng này.
Trái ngược với 2 hình thức trên, TMĐT B2B vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Nhưng nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy được cơ hội tại thị trường này. Việt Nam vốn là trung tâm sản xuất của nhiều mặt hàng như may mặc, giày da, đồ điện tử. Các doanh nghiệp có thể tìm đến mua bán tận gốc những mặt hàng đó với giá cả phải chăng. Việt Nam cũng tích cực tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại khu vực và thế giới, cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy thương mại B2B.
Lợi thế vị trí địa lý
Theo thống kê của Kantar Worldpanel, mức chi tiêu mua sắm online của người Việt vào năm 2020 là 240 USD/người, cao hơn năm 2019 khoảng 25 USD. Đến năm 2022, dự báo số tiền sẽ tăng lên mức 270 USD/người.
Bên cạnh các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng TMĐT đã đề cập ở trên thì nhờ vị trí địa lý nằm giữa các tuyến đường trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới Thái Lan, Campuchia và Lào, Việt Nam có thể đẩy mạnh TMĐT xuyên biên giới cũng như ngành logistic. Với đường bờ biển dài và nhiều cảng biển, có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyên chở hàng hóa ra hoặc vào Việt Nam.
Admin (Theo báo Viettimes Online)