Doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc đối mặt khó khăn vì chính sách zero Covid. Các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc đang kêu gọi Bắc Kinh hỗ trợ nhiều hơn khi làn sóng biến thể Omicron phủ bóng lên nền kinh tế.
Trong bối cảnh các ca nhiễm Omicron gia tăng đang càn quét Trung Quốc, công việc kinh doanh của Tang Lin trở nên thất bát. Cô là chủ của một nhà hàng mì nhỏ ở Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc.
Mặc dù thành phố chỉ ghi nhận 3 trường hợp mắc biến thể có khả năng lây truyền cao của Covid-19 kể từ ngày 1/3, việc kiểm soát nghiêm ngặt đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nhỏ.
Tang Lin cho biết, các quán cà phê internet, quán karaoke và quán bar đã bị buộc phải tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, một số quán ăn trong khu vực kiếm được dưới 1.000 nhân dân tệ (157 USD) mỗi ngày và bắt đầu phải cho nhân viên nghỉ việc.
Tang cho biết: “Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng bán nhà cửa đất đai của họ để trả tiền thuê nhà và nhân công, nhưng rất khó tìm được người mua vì thị trường bất động sản cũng đang ế ẩm”.
Các doanh nghiệp nhỏ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch, song lại là nguồn việc làm chính của Trung Quốc. Họ đang kêu gọi Bắc Kinh hỗ trợ nhiều hơn khi làn sóng biến thể Omicron mới nhất phủ bóng lên nền kinh tế.
Trung Quốc đã công bố khoản hoàn thuế trị giá 2,5 nghìn tỷ nhân dân tệ cho năm 2022. Các doanh nghiệp sẽ được miễn 3% thuế giá trị gia tăng. Một số doanh nghiệp nhỏ sẽ được giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 20%. Các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ đủ điều kiện để được giảm 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ đối với thuế giá trị gia tăng nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính.
Nhưng nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng như vậy là chưa đủ, vì chính sách Zero Covid của Trung Quốc gây căng thẳng lớn với việc phong toả, hạn chế đi lại và xét nghiệm hàng loạt.
“Chúng tôi không có thu nhập, vậy cắt giảm thuế có ích gì?”, Tang cho biết.
Tỉnh Quảng Đông, nơi bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát biến thể Omicron vào đầu tháng 3, đã cam kết hỗ trợ tài chính, miễn thuế và cấp vốn tín dụng để hỗ trợ ngành dịch vụ.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ cho biết các biện pháp hỗ trợ gần như không bù đắp được khoản kinh doanh thua lỗ do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ gây ra.
Lao Momin, người điều hành một công ty tư vấn quảng cáo nhỏ, cho biết các công ty đang phải đối mặt với tình hình khó khăn hơn so với đợt bùng phát dịch đầu tiên. Các đợt cắt giảm thuế mới nhất cũng không còn hiệu quả như năm 2020.
“Các biện pháp kiểm soát đại dịch quá nghiêm ngặt, khiến các công ty không thể kinh doanh bình thường. Đây là giai đoạn chết chóc nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, Lao Momin nói.
Sau khi đánh giá các biện pháp hỗ trợ mà chính quyền tỉnh Quảng Đông đưa ra vào tuần trước, kế toán của ông Lao đã kết luận rằng hầu hết các hỗ trợ không áp dụng cho những doanh nghiệp nhỏ như của ông.
Giữa tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết việc kiểm soát Covid-19 sẽ là ưu tiên hàng đầu nếu dịch bùng phát tồi tệ hơn, mặc dù ông thừa nhận cần phải cân bằng việc kiểm soát dịch với những tác động lên nền kinh tế.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang tuân thủ chính sách zero Covid, bao gồm dập tắt các đợt bùng phát địa phương bằng biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia trên thế giới đang chuyển sang sống chung với virus.
Thượng Hải và trung tâm công nghệ Thâm Quyến, hai “cỗ máy” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gần đây đều đã thực hiện phong toả để ngăn chặn các đợt bùng phát ở địa phương.
Kể từ giữa tháng 3, ít nhất 18 thành phố, chiếm 8,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, đã áp đặt các đợt phong toả quy mô lớn.
Tại Quảng Châu, các thương gia tại chợ bán buôn hàng may mặc của thành phố đã đình công kể từ hôm 22/3. Wang Xiu, một thương nhân trong ngành cho biết họ đang kêu gọi giảm giá thuê mặt bằng hoặc miễn thuế.
Ông nói: “Quảng Châu là trung tâm kinh doanh bán buôn hàng may mặc trên toàn quốc, nhưng hiện nay ít khách đến đặt hàng hơn. Mặt khác, tiền thuê cửa hàng vài mét vuông mỗi năm đã lên tới gần 1 triệu nhân dân tệ”.
Admin (Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)