Ngành logistics đã thay đổi đáng kể trong 10 năm qua và đang trong giai đoạn chuyển đổi số. Động lực để chuỗi cung ứng phát triển chính là thương mại điện tử bùng nổ, cũng như tác động từ đại dịch Covid-19.
Sự cộng sinh giữa thuật toán và con người sẽ tạo ra cơ hội cải thiện ngành logistics.
Từ điện toán đám mây, robot, AI (trí tuệ nhân tạo) đến IoT (Internet vạn vật)… các chuyên gia logistics phải hiểu hết làn sóng công nghệ đột phá, thúc đẩy công nghệ phát triển nhanh hơn. Ngay cả khi thương mại điện tử toàn cầu bùng nổ, blockchain vẫn tiếp tục được xem là một yếu tố thúc đẩy chuỗi cung ứng và logistics.
Một doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực logistics phải phụ thuộc vào độ tin cậy. AI luôn giải quyết những thách thức hoạt động phức tạp nhất như: Tối ưu hóa tuyến đường, dự đoán chính xác năng lực và nhu cầu, tự động hóa vật lý thông minh… Ngành công nghiệp logistics cũng đang đón nhận sự xuất hiện của robot tự động hóa quy trình làm việc (RPA).
AI cho phép RPA giải quyết các định dạng và quy trình dữ liệu phi cấu trúc, phức tạp. Theo một nghiên cứu của hiệp hội thương mại logistics MHI, 79% chuyên gia kỳ vọng AI sẽ trở thành năng lực cốt lõi của chuỗi cung ứng vào năm 2022, 88% tin rằng nó sẽ giúp cải thiện khả năng quản lý rủi ro và dự đoán.
Theo kết quả khảo sát của PwC, 37 trong số 80 giám đốc tài chính (CFO) trả lời, quá trình tự động hóa tăng tốc sẽ là một phần trong chiến lược hậu Covid-19 của họ. Khi các công ty logistics số hóa các quy trình, họ nhận thấy tính minh bạch và linh hoạt sẽ thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số hơn nữa.
Mặt khác, nhờ ứng dụng AI vào quá trình làm việc, khách hàng sẽ đánh giá cao lợi ích của việc giao hàng nhanh, chất lượng dịch vụ của công ty logistics đó. Những điều này khuyến khích các công ty ứng dụng nhiều công nghệ mới hơn để tăng cường và cải thiện quy trình.
Khi các phương pháp tiếp cận số hóa ngày càng trở thành trọng tâm của chuỗi cung ứng và quy trình logistics, các công ty đang quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh con người. Các hệ thống kỹ thuật số cần con người xây dựng, duy trì và cải tiến. Hoạt động của chuỗi cung ứng cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và liên tục giữa con người với máy móc.
Ngược lại, nếu không chú trọng đến con người, các doanh nghiệp logistics sẽ gặp phải nhiều vấn đề. Từ việc thiếu hụt nhân sự có kỹ năng cho đến việc hoàn toàn không sử dụng được các công nghệ mới. Trong những năm tới, các công ty cần áp dụng phương pháp đổi mới lấy con người làm trung tâm.
Lãnh đạo các doanh nghiệp logistics đang tập tung thúc đẩy tư duy kỹ thuật số, gồm: Thiết lập các chuẩn mực văn hóa tích cực, tiêu chuẩn hóa các quy trình và liên tục tái đào tạo nguồn nhân lực.
Điều quan trọng nhất trong quá trình số hóa là phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống của con người. Ngành logistics và chuỗi các bên liên quan nên làm việc cùng nhau để khuyến khích tạo ra môi trường kinh doanh kết nối, với kỳ vọng thực tế và nhân văn. Điều này sẽ đòi hỏi phải áp dụng một tư duy mới, nắm bắt được lợi ích của số hóa và tạo ra nơi làm việc bền vững, linh hoạt hơn.
Ngành công nghiệp logistics phải thích ứng với thời đại chuyển đổi số để phát triển. Không chỉ vì những mối đe dọa sắp xảy ra, các công ty còn phải thực hiện điều này để tăng lợi thế cạnh tranh, tận dụng tối đa những cơ hội.
Velog admin (Theo Guft Business)