Đây hầu hết đều là những xu hướng lên ngôi từ năm ngoái và sẽ tiếp tục duy trì mức ảnh hưởng trong năm nay. Công nghệ từ đầu đã được giới thương mại điện tử xác định là nền tảng phát triển chủ chốt cho ngành này, mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thực tế ảo (AR), thanh toán số, hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững… dự đoán tiếp tục đưa thương mại điện tử bứt tốc trong năm 2022.
1/ Thực tế ảo tăng cường (AR)
AR là một trong những yếu tố được giới chuyên gia nhận định giúp xác định lại cách người tiêu dùng mua sắm trong hai năm gần đây. Với công nghệ này, người dùng có thể xem xét, tương tác chân thực hơn với mặt hàng cần mua, từ đó thôi thúc quyết định mua hàng online. Các ngành hàng thời trang, nội thất, đồ dùng trang trí nhà cửa… đã chứng kiến tác động mạnh mẽ mà AR mang lại khi khách hàng có thể dùng thử sản phẩm ngay cả khi không đến tận nơi.
Warby Parker, nhà bán lẻ kính mắt, đã ứng dụng AR vào trải nghiệm mua sắm online, cho phép khách hàng thử gọng kính trước khi mua. Cách này không chỉ giúp người dùng yên tâm hơn khi mùa hàng, mà còn giảm tỷ lệ đổi trả, hủy đơn.
Vào tháng 5/2021, Snap cũng công bố ra mắt tính năng AR Spectacles với hình thức thử nghiệm. Chiếc kính sở hữu tính năng này có tác dụng thực tế hóa trải nghiệm ghé thăm các điểm tham quan, du lịch đã được thiết lập sẵn. Bộ thiết bị gồm một bàn di chuột, hai camera, bốn micro và hai loa. Qua đó, AR không chỉ giúp tăng tỷ lệ mua sắm trực tuyến mà còn là giải pháp lý tưởng cho các nhà cung cấp dịch vụ, giúp họ gia tăng doanh số hiệu quả trong kỷ nguyên số.
2/ Thanh toán số và tiền điện tử
Từ 2021, giới thương mại điện tử đã liên tục bàn tán về sự lên ngôi của thanh toán không tiền mặt nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử. Do tác động của đại dịch, hình thức này dần trở nên phù hợp, đảm bảo an toàn. Các chuyên gia nhận định nếu không có sự xuất hiện của Covid-19, thanh toán số sẽ vẫn được ưa chuộng, song diễn ra chậm hơn và mất nhiều năm hơn để đạt được các số liệu hiện tại.
Song song với đó là sự phát triển mạnh mẽ của tiền điện tử khi ngày càng nhiều người đổ xô đầu tư vào lĩnh vực này. Năm nay, Mastercard đã bắt đầu hợp tác cung cấp tín dụng tiền điện tử. PayPal cũng chấp nhận loại tiền này. Thậm chí một số điểm ATM trong trung tâm thương mại có danh mục tiền điện tử.
Các xu hướng này lên ngôi là sự thay đổi cần có để bắt kịp thời đại số. Tuy nhiên việc thanh toán số và tiền điện tử ngày càng phổ biến đã dẫn đến vài bất cập như lộ thông tin cá nhân, lừa đảo… Theo đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử lẫn ví điện tử, ngân hàng… cần có giải pháp đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin người dùng.
3/ Metaverse
Metaverse, hay “vũ trụ ảo”, hiện là thuật ngữ gây sốt giới công nghệ, dùng để chỉ không gian ảo được tạo ra sống động như thật bằng thực tế ảo hoặc thực tế ảo tăng cường. Hiện tại, hầu hết các metaverse vẫn trông giống như một trò chơi điện tử. Nhiều doanh nghiệp công nghệ nắm bắt nhu cầu làm việc, học tập tại nhà trong thời dịch đã nhanh chóng gia nhập “vũ trụ ảo”, góp phần thúc đẩy sự “bành trướng” của lĩnh vực mới mẻ này.
Với thương mại trực tuyến, metaverse xem như bước tiến vượt trội về công nghệ, giúp mở ra cánh cửa tiến vào vũ trụ ảo, kết nối người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ và các sàn thương mại điện tử.
Gucci, một trong những thương hiệu thời trang xa xỉ bậc nhất đã khai thác không gian ảo, làm giàu trải nghiệm cho khách hàng của họ. Trong giai đoạn dịch bệnh ảnh hưởng, Gucci đã ra mắt một bộ sưu tập giới hạn dành riêng cho Roblox. Đây là nền tảng trò chơi trực tuyến cho phép người dùng truy cập, tạo nhân vật và thiết kế hình đại diện theo ý muốn.
Chỉ sau hai tuần, 42 triệu người dùng Roblox đã chi tiền cho bộ sưu tập này. Trung bình mỗi người trả khoảng 1,2-9 USD cho các phụ kiện ảo của Gucci. Sau khi bán hết, giá trị các mặt hàng ảo này bỗng tăng theo cấp số nhân.
4/ Sáng tạo nội dung thương mại bùng nổ
Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) ngày càng được các thương hiệu mới ưa chuộng và chọn làm người phát ngôn. Việc các ngôi sao, thần tượng nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu không còn xa lạ. Tuy nhiên trong năm 2022, chiến lược kinh doanh của các thương hiệu dự đoán có thể sẽ ngày càng phụ thuộc vào họ. Theo Business Insider, ngành tiếp thị KOL có thể đạt giá trị đến 15 tỷ USD vào cuối năm nay.
Lý do bắt nguồn từ việc có đến 97% người tiêu dùng thuộc Gen Z dùng mạng xã hội làm nguồn cảm hứng mua sắm, theo Influencer Marketing Factory. Các xu hướng nổi lên rầm rộ trên nền tảng xã hội video TikTok đi kèm loạt hashtag TikTokmademebuyit, AmazonFinds… ngày càng khiến người dùng thích thú và đổ xô mua hàng. Theo đánh giá của Influencer Marketing Factory, nhóm khách hàng Gen Z có thể chi tiêu đến 150 tỷ USD qua hình thức tiếp thị mới mẻ này.
5/ Yếu tố bền vững thành xu thế mới
Song song với các xu hướng công nghệ, phát triển bền vững ngày càng được các doanh nghiệp trên thế giới ưa chuộng và chọn làm định hướng phát triển lâu dài. Dịch bệnh với những hưởng nặng nề lên kinh tế, xã hội, sức khỏe đã khiến người tiêu dùng toàn cầu thay đổi nhu cầu và thói quen mua sắm. Thêm vào đó, thời trang nhanh với hệ quả để lại ngoài môi trường nhiều rác thải không thể tái chế đã trở thành một trong những thủ phạm lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu.
Tradesy là một trong những doanh nghiệp phát triển mạnh việc cung cấp quần áo cũ và hỗ trợ xử lý rác thải từ các bãi chôn lấp. Theo báo cáo của họ, ngành kinh doanh quần áo cũ dự kiến sẽ tăng gấp đôi doanh thu từ 36 tỷ lên 77 tỷ USD vào năm 2025. Nhóm đối tượng lần đầu mua quần áo cũ đã tăng 33 triệu triệu người trong năm 2021. Phần lớn trong số đó cho biết có kế hoạch tiếp tục mua sắm các mặt hàng thời trang, phụ kiện đã qua sử dụng. Đây là cách Tradesy định hướng phát triển bền vững cho hệ thống thương mại của họ.
Với các thương hiệu như H&M, từng gắn liền với thời trang nhanh, đã chọn cách thay đổi và sử dụng các chất liệu như bông hữu cơ, polyester tái chế… hướng đến bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải. Thương hiệu Target cũng cam kết sử dụng 100% bông hữu cơ và chất liệu mang tính bền vững trong tất cả các sản phẩm từ năm 2022. Amazon cũng cam kết sẽ trung hòa carbon với một nửa số lô hàng của mình vào năm 2030.
Theo Nielsen, 90% thế hệ Millennials (độ tuổi từ 21 đến 34 tuổi) cho biết họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sử dụng chất liệu thân thiện môi trường hoặc bền vững. Điều đó phần nào cho thấy hành vi tiêu dùng của cư dân toàn cầu đã thay đổi. Đây là dấu hiệu để các doanh nghiệp từ đa dạng lĩnh vực, bao gồm cả thương mại điện tử và bán lẻ, cần nắm bắt và nhanh chóng thích nghi trong năm 2022.
Admin (Theo báo Vnexpress.net)