D2C thay đổi cách thương hiệu, nhà bán tiếp cận người dùng ngay cả trước khi có đại dịch, dự kiến tiếp tục đi cùng thương mại điện tử 2022, theo CEO Edgemesh.
Ông Jacob Lovelesss hiện là Giám đốc điều hành Edgedmesh, chuyên cung cấp giải pháp tăng tốc website toàn cầu cho biết, sự phát triển của D2C (cung cấp dịch vụ, sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng) đã thay đổi cách người dùng tương tác với các thương hiệu truyền thống.
Họ bắt đầu mua sắm những thứ như dao cạo râu, quần áo, nội thất, thực phẩm tươi sống… trên nền tảng trực tuyến, những thứ trước đây thường được mua trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng. Ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, thương hiệu và doanh nghiệp D2C đã được đánh giá là những người nhạy bén với chuyển đổi số. Giờ đây, các nhà bán lẻ truyền thống và thương hiệu cũng nối bước doanh nghiệp D2C, dùng chính bài học đó tăng lợi thế cạnh tranh trên nền tảng thương mại điện tử.
Duy trì tăng trưởng nhờ nền tảng kinh doanh trực tuyến
Nhiều nhà bán lẻ truyền thống hiện đăng bán sản phẩm online, cung cấp trực tiếp cho khách hàng có nhu cầu mua sắm các mặt hàng họ sản xuất và nhập khẩu. Đây là cách họ chọn để thu hút và giữ chân khách hàng trong thời gian qua.
Đơn cử có Nike với động thái rút lui khỏi các chuỗi trung tâm thương mại, trả mặt bằng cửa hàng để tập trung đầu tư cho các cửa hàng online trên thương mại điện tử. Đại diện thương hiệu này từng tuyên bố bán online hiệu quả hơn trong thời dịch. Theo đó, trong Quý I/2020, doanh số trên thương mại điện tử của hãng tăng đến 82% so với cùng kỳ.
Nhờ nền tảng trực tuyến, nhiều thương hiệu đã thành công duy trì mức tăng trưởng bất kể đại dịch. Hoặc dù không cải thiện doanh số, họ cũng tránh được giai đoạn suy thoái vừa qua của kinh tế toàn cầu.
Theo CEO Edgemesh, không ít doanh nghiệp bán lẻ truyền thống nhận thấy tiềm năng này và chọn cách làm theo để tăng khả năng cạnh tranh. Song song với cửa hàng truyền thống, họ mở thêm kênh bán online trên các nền tảng thương mại điện tử, tận dụng tệp khách hàng sẵn có của các sàn này, thu hút khách mới, đồng thời giữ chân khách hàng cũ với những ưu đãi hấp dẫn.
Cơ hội mở rộng phạm vi tiếp cận danh mục khách hàng
Đại dịch đã kìm hãm sự phát triển của nhiều thương hiệu. Song cũng chính Covid-19 khiến nhu cầu về các sản phẩm thể thao, chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng nhanh… tăng mạnh trong thời gian mọi người ưu tiên làm việc, giải trí tại nhà. Dựa trên các yếu tố này, ông Jacob Loveless đã dự đoán rằng đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp kỹ thuật số phát triển và mở rộng danh mục khách hàng.
Vị CEO nhận định một trong những nhu cầu cấp thiết với các nhà bán lẻ khi Covid-19 bùng phát là tìm kiếm một nền tảng thương mại điện tử phù hợp và hiệu quả. Trùng hợp đó lại là yếu tố lợi thế mà những doanh nghiệp sớm chuyển đổi số sở hữu. Trong khi các đối thủ khác đang chật vật lên sàn, họ lại thư thả tìm kiếm nguồn khách hàng mới hoặc tập trung cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng trực tiếp.
Gần hai năm sau khi dịch bệnh xuất hiện, người tiêu dùng toàn cầu ngày càng ít mua hàng tại các cửa hàng truyền thống. Họ dần quen với việc mua sắm trên các thiết bị công nghệ. Doanh số thương mại điện tử ghi nhận tại Mỹ trong Quý III/2021 tiếp tục tăng đến 45,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó phần nào chứng minh hoạt động chuyển đổi số diễn ra càng sớm sẽ càng tạo thêm lợi thế cho thương hiệu lẫn các nhà bán hàng nhỏ lẻ.
Giá thành không còn là yếu tố cạnh tranh hàng đầu
Trước đây, một số thương hiệu, nhà bán lẻ xem mức giá ưu đãi và lợi nhuận thấp là yếu tố cạnh tranh lớn trên thị trường, giúp họ thu hút thêm nhiều khách hàng nhờ mức giá rẻ. Tuy nhiên, với ông Jacob Loveless, suy nghĩ đó hiện nay đã quá lỗi thời, nhất là sau khi Covid-19 xuất hiện. Cùng với các chương trình giảm giá, ưu đãi sâu, quà tặng đi kèm giá trị, nguồn gốc cùng chất lượng sản phẩm và chính sách hoàn trả đồng loạt trở thành yếu tố cạnh tranh.
Một nghiên cứu của Forrester cho thấy người dùng ở Pháp, Anh và Mỹ thích các nhà bán lẻ trực tuyến cung cấp dịch vụ đổi trả hàng miễn phí. Dịch vụ hoàn tiền khi chất lượng sản phẩm không như ý cũng được đặc biệt yêu thích. Forrester dự đoán các nhà bán lẻ và thương hiệu “tập trung vào khách hàng” sẽ đầu tư vào các chính sách này để cải thiện lợi nhuận.
Từ các vấn đề về chuỗi cung ứng đến kỳ vọng ngày càng tăng của người tiêu dùng, thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt trong năm tới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp ngành này chứng minh lợi ích to lớn mà họ có thể đem lại cho các doanh nghiệp bán lẻ và nhà bán hàng. Trong đó, không chỉ riêng doanh nghiệp thương mại điện tử, thương hiệu hưởng lợi mà cả người dùng cũng có trải nghiệm mua sắm ngày một tối ưu, toàn diện hơn.
Admin ( Theo báo Vnexpress.net)