Trung Quốc cần đưa thêm 400 triệu người vào tầng lớp trung lưu để đảm bảo tiêu dùng và công nghiệp hóa đủ sức tiếp tục kéo tăng trưởng đi lên. Vậy Trung Quốc đang ấp con gà đẻ trứng vàng nào cho tương lai?
1/ Thái độ mới với công thần cũ
Theo South China Morning Post (SCMP), 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với giới lãnh đạo đất nước đông dân nhất thế giới. Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố đã đạt được kế hoạch 100 năm đầu tiên và xóa sổ cảnh nghèo tuyệt đối. GDP bình quân đầu người đạt gần 10.500 USD với khoảng 400 triệu người ở trong tầng lớp trung lưu.
Ngoài là đất nước giao thương lớn nhất địa cầu, Trung Quốc còn là nước đón FDI lớn nhất thế giới. Chủ tịch Tập Cận Bình công bố mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp đôi quy mô kinh tế từ 2020 đến 2035. Cùng lúc đó, ông trở nên cứng rắn đối với các động lực của sự trỗi dậy kinh tế Trung Quốc là kinh tế kỹ thuật số và bất động sản.
Song song với các cuộc đối đầu ngoại giao với phương Tây, Trung Quốc đã để lộ gót chân Achilles của chính mình: Nước này đã đánh mất lợi thế lao động. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất trong 43 năm kể từ khi chính sách một con bắt đầu. Một tờ báo nhà nước thậm chí còn nói rằng sinh ba con là nghĩa vụ đạo đức của các đảng viên.
Theo Giáo sư Shirley Ze Yu, thành viên cao cấp của Trung tâm Ash thuộc Trường Harvard Kennedy, mô hình tăng trưởng thâm dụng vốn của Trung Quốc đã sản sinh ra sự phụ thuộc quá mức vào ngành bất động sản khổng lồ. Bất động sản có nghĩa là việc làm cho người lao động, lợi nhuận cho giới nhà băng và nguồn thu ngân sách sống còn cho chính quyền địa phương.
Khi bữa tiệc tàn, nỗi đau được chia cho các cá nhân, chính quyền và nhiều ngành thương mại khác nhau, từ ngân hàng, xây dựng và hàng hóa cho đến chính bất động sản. Gần như mọi lĩnh vực trong nền kinh tế đều bị tổn thương.
Trong ba “chiến mã” của kinh tế Trung Quốc – thương mại, đầu tư và tiêu dùng – triết lý kinh tế mới của Trung Quốc đã kiên quyết đặt trọng trách theo đuổi thịnh vượng chung vào hai yếu tố sau. Dẫu vậy thương mại vẫn đóng góp 19,5% cho tăng trưởng GDP 10 tháng đầu năm 2021 của Trung Quốc.
Với vị thế công xưởng thế giới, Trung Quốc đã đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Nhưng bất chấp màn trình diễn ngoạn mục của thương mại, cuộc phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc vẫn chậm chạp, với tổng mức tiêu thụ gần như không đổi trong hai năm qua.
Cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng sự can thiệp của chính phủ vào thị trường tư nhân có thể gây ra hậu quả nguy hiểm.
Vào tháng 7, Trung Quốc mở cuộc điều tra vào công ty gọi xe Didi Chuxing, hai ngày sau cuộc IPO xấu số ở New York.
Việc Didi rời khỏi sàn New York có thể đánh dấu khởi đầu của sự kết thúc của các công ty công nghệ niêm yết tại Mỹ, chủ yếu là do lo ngại an ninh dữ liệu của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Mỹ đã mất hết kiên nhẫn với các bí mật sổ sách tài chính của doanh nghiệp Trung Quốc. Bị kìm kẹp giữa hai siêu cường thế giới, các đại gia công nghệ Trung Quốc niêm yết ở Mỹ đang tháo chạy tới sàn chứng khoán Hong Kong, để rồi lại biến Hong Kong trở thành thị trường có hiệu suất tồi tệ nhất trong 2021.
Cách tiếp cận toàn diện của Bắc Kinh đối với động lực công nghệ nhà nước cũng chưa tạo ra được kết quả như ý. Bắc Kinh đã cam kết đạt 70% độc lập về chip như một phần của kế hoạch “Made in China 2025”.
Nhưng năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu nhiều chip hơn cả dầu và quặng sắt cộng lại. Trung Quốc đang phụ thuộc nặng nề vào những mặt hàng nhập khẩu này hơn bao giờ hết.
Tsinghua Unigroup rơi vào cảnh túng quẫn vì các hoạt động M&A rầm rộ. SMIC, nhà sản xuất chip thuộc sở hữu nhà nước hàng đầu của Trung Quốc chứng kiến cảnh các giám đốc và kỹ sư cấp cao nghỉ việc hàng loạt.
2/ Toan tính cho tương lai
Trung Quốc có còn con gà đẻ trứng vàng trong năm 2022 không? Bắc Kinh muốn kinh tế tăng trưởng dựa trên tiêu dùng và công nghiệp hóa sử dụng công nghệ.
Chìa khóa đến nền kinh tế tiêu dùng là tăng thu nhập cho các tầng lớp dưới cùng trong xã hội và tầng lớp trung lưu mạnh hơn. Trung Quốc có kế hoạch nâng thêm 400 đến 500 triệu người dân vào tầng lớp trung lưu.
Nếu thành công, các gia đình trung lưu mới sẽ tiếp tục quá trình đô thị hóa, mua nhà và xe, các dịch vụ tiện ích như đặt đồ ăn, du lịch, giáo dục và bổ sung cho lực lượng công nghiệp. Họ không chỉ là động lực tiêu dùng mà là còn là sức mạnh đằng sau quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã khiến nhiều người choáng váng khi thẳng thắn tuyên bố rằng hơn 40% dân số Trung Quốc chỉ kiếm được chưa đến 150 USD/tháng hồi năm 2019. Số phận của hàng trăm triệu người này sẽ quyết định liệu Trung Quốc có thể tăng gấp đôi quy mô kinh tế vào năm 2035 hay không.
Cạnh tranh công nghệ toàn cầu chủ yếu được định đoạt bởi nhân tài. Dù Trung Quốc đào tạo nhiều sinh viên Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) hơn hẳn Mỹ, gã khổng lồ Huawei vẫn quyết tâm thu hút các nhà khoa học quốc tế tài giỏi. Một khi Trung Quốc có được nhân tài thì việc sản xuất ra những con chip nước này muốn chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trung Quốc sẽ tiếp tục kích thích kinh tế bằng cách mà hệ thống lấy nhà nước làm trung tâm vượt trội hơn hẳn: Xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ trước khi có nhu cầu. Trung Quốc cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chủ yếu là công nghệ xanh và kỹ thuật số để duy trì mức tăng trưởng.
Sau này, Trung Quốc sẽ gặt hái thành quả từ cơ sở hạ tầng môi trường và kỹ thuật số từ thế kỷ 21. Ngoài kế hoạch 5.000 tỷ USD đầu cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số năm 2020, Trung Quốc còn dự định rót 15.000 tỷ USD vào công nghệ tái tạo và nới rộng cơ sở hạ tầng từ nay đến 2050, theo South China Morning Post (SCMP).
Vài con gà đẻ trứng vàng của Trung Quốc bị lên bàn mổ vào năm 2021, lợi nhuận tài chính của các công ty kỹ thuật số và Internet lớn nhất của nước này giảm sút. May mắn thay, Trung Quốc vẫn còn nhiều con gà đẻ trứng vàng khác đang nở.
Admin (Theo Doanh nghiệp niêm yết)