Tờ Wall Street Jounal (WSJ) đưa tin, tai ương chuỗi cung ứng toàn cầu đang bắt đầu có xu hướng giảm bớt. Tuy nhiên, các công ty vận chuyển, sản xuất và bán lẻ nói rằng, phải đến năm 2022, hoạt động kinh doanh mới trở lại bình thường.
Gần đây, việc nhà máy sản xuất phải đóng cửa do các đợt bùng phát dịch Covid-19, hay tình trạng thiếu năng lượng và giới hạn công suất cảng đã có dấu hiệu giảm bớt tại khu vực châu Á. Các nhà bán lẻ lớn tại Mỹ cho biết, công ty đã nhập khẩu phần lớn hàng hoá cần thiết cho kỳ nghỉ lễ. Giá cước vận tải đường biển đã có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành và các nhà kinh tế nhận định, nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đối với hàng hóa ở phương Tây, tình trạng tắc nghẽn cảng đang diễn ra ở Mỹ, tình trạng thiếu tài xế xe tải và giá cước vận tải toàn cầu tăng cao vẫn sẽ tiếp tục gây “đeo bám” bất kỳ sự phục hồi nào.
Ngoài ra, việc thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn và các trường hợp Covid-19 bùng phát cũng sẽ là nguy cơ, đe dọa làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng một lần nữa.
Theo WSJ, các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng được tháo gỡ sẽ cho phép sản xuất hướng tới đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ và sẽ giảm chi phí logistics. Nếu xu hướng này được duy trì, áp lực lên lạm phát cũng sẽ phần nào dịu đi.
Số lượng tàu thuyền chờ dỡ hàng tại cảng Los Angeles và Long Beach (bang California, Mỹ) đã cải thiện nhưng vẫn ở mức gần kỷ lục. Theo tổ chức Marine Exchange of Southern California, có 71 tàu container neo đậu ngoài khơi vào ngày 19/11, giảm so với mức cao nhất là 86 thuyền vào ngày 16/11.
Các giám đốc công ty vận chuyển và bán lẻ kỳ vọng tình trạng những con tàu chờ đợi để cập cảng sẽ biến mất vào đầu năm 2022. Ông Jan Held, đồng sở hữu công ty vận tải Đức Held Bereederungs nói với WSJ, tình trạng tắc nghẽn đang dần được cải thiện, đặc biệt là ở khu vực châu Á.
Giá cước vận chuyển xuyên Thái Bình Dương đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây khi hầu hết các công ty bán lẻ lớn của Mỹ đã nhập đủ hàng hóa cho mùa lễ.
Cụ thể, chi phí chuyển một container qua Thái Bình Dương đã giảm hơn 25% trong ngày 12/11, mức giảm lớn nhất trong vòng 2 năm. Theo Chỉ số Freightos Baltic, mức giá của một container 40 feet đã tăng 5%, lên khoảng 14.700 USD/container 40 feet. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn 3 lần so với mức của năm 2020.
“Xét trên toàn cầu, chúng ta đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất về rắc rối chuỗi cung ứng”, ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics nhận xét. Khảo sát của hãng nghiên cứu này đối với các chuyên gia của 45 nền kinh tế cho thấy, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng mọi gián đoạn chuỗi cung ứng đã đạt đỉnh hoặc sẽ chạm đỉnh trong cuối năm nay.
Sau khi sản xuất chậm lại trong thời gian gần đây vì dịch Covid-19, sản lượng tại các nhà máy ở Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác đã tăng trở lại trong tháng qua do số ca nhiễm giảm và các hạn chế được dỡ bỏ. Điều này giúp giảm bớt một số tắc nghẽn đã bóp nghẹt sản lượng chất bán dẫn và hàng dệt may trên toàn cầu.
Bà Trinh Nguyen, nhà kinh tế cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Natixis nhận xét: “Đã có sự thay đổi lớn theo hướng tích cực và sản lượng công nghiệp ở châu Á và nguồn cung toàn cầu sẽ được cải thiện”. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng nhiều nước sẽ tiếp tục phải vật lộn với những vấn đề khác, ví dụ như thiếu hụt lao động.
Tại Việt Nam, các chủ nhà máy ở miền Nam chia sẻ rằng hoạt động sản xuất đã suôn sẻ hơn nhiều so với vài tháng trước, nhưng các thách thức vẫn tồn tại. Trong số đó bao gồm chi phí vận chuyển cao và thiếu hụt lao động: Nhiều công nhân đã trở về quê để tránh dịch và vẫn chưa quay trở lại.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nói rằng, tình hình sản xuất đang được cải thiện. Ông cho biết, các nhà máy sản xuất đồ nội thất quy mô trung bình, với khoảng 200 đến 500 công nhân, đang hoạt động với khoảng 80% công suất. Nhưng các nhà sản xuất đồ nội thất lớn hơn, có tới 3.000 công nhân, lại chỉ hoạt động ở mức 65% công suất do thiếu nhiều lao động.
Admin (theo doanh nghiệp và tiếp thị / Wall Street Jounal)