Đối với người kinh doanh từ nguồn hàng nước ngoài, có 2 phương pháp nhập hàng chủ yếu là xuất nhập khẩu chính ngạch và xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Đâu là phương án nhập khẩu nguồn hàng tối ưu và đảm bảo nhất?
a/ Nhập khẩu chính ngạch là gì?
Buôn bán chính ngạch là hình thức giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước bằng hợp đồng ngoại thương với các đối tác nước ngoài theo Hiệp định đã được ký kết giữa các quốc gia với nhau, hoặc giữa quốc gia với các Khu vực, Tổ chức, Hiệp hội kinh tế trên thế giới theo thông lệ quốc tế.
Xuất nhập khẩu chính ngạch là con đường giao thương quốc tế thông qua cửa khẩu, thường hướng đến số lượng hàng hóa lớn. Hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch thường bị kiểm soát chặt chẽ hơn về các tiêu chí như: chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mục hàng hóa cho phép nhập khẩu theo quy định,… bởi các cơ quan chuyên ngành.
Vì vậy, nhập khẩu chính ngạch thường mất nhiều thời gian hơn đường tiểu ngạch. Ngoài ra, phương pháp giao thương chính ngạch còn có nhiều nhược điểm như:
* Thủ tục khá phức tạp và phải được hoàn tất thông quan mới nhận được hàng.
* Chi phí cao: Mức phí hải quan, thuế suất xuất nhập khẩu cao hơn con đường tiểu ngạch và các chi phí phát sinh khác.
* Hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ, khó thông quan hơn.
Tuy nhiên, con đường chính ngạch thường được các doanh nghiệp kinh doanh chính thống lựa chọn do tính đảm bảo và ổn định rất cao. Xuất nhập khẩu chính ngạch mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp:
* Giá trị nhập khẩu không giới hạn.
* Hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, đầy đủ giấy tờ, hóa đơn chứng từ phù hợp với quy định của pháp luật, hạn chế rủi ro bị thu giữ bởi cơ quan quản lý thị trường.
* Mức độ ổn định cao, quyền lợi được đảm bảo bằng hợp đồng thương mại khi có tranh chấp phát sinh.
* Vận chuyển quốc tế an toàn và đảm bảo hơn với các mặt hàng giá trị cao, hàng hóa cao cấp.
* Vận chuyển xuyên biên giới từ tất cả các quốc gia có kí kết giao thương với Việt Nam và ngược lại.
b/ Nhập khẩu tiểu ngạch là gì?
Nhập khẩu tiểu ngạch là hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các công dân của hai nước có đường biên giới liền kề nhau. Tại Việt Nam, mua bán tiểu ngạch phổ biến tại các tỉnh gần cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, Trung Quốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Hàng hóa trong nhập khẩu tiểu ngạch thường có giá trị nhỏ và phổ thông như giày dép, nông sản, quần áo,…
Vận chuyển tiểu ngạch có ưu điểm như sau:
* Thủ tục khá đơn giản, chỉ cần tờ khai tiểu ngạch và chịu phí biên mậu.
* Phí vận chuyển thường rẻ hơn so với nhập khẩu chính ngạch.
* Thủ tục khai thuế và biểu phí thuế thấp hơn so với nhập khẩu chính ngạch do hàng hóa không phải đi qua cửa khẩu.
Tuy nhiên, vận chuyển tiểu ngạch cũng có nhiều nhược điểm bao gồm:
* Tính ổn định kinh doanh rất thấp, không phù hợp với hàng hóa cao cấp, hàng hóa đặc biệt.
* Giá trị giao dịch thấp (tối đa 2 triệu/người/ngày), chỉ phù hợp với người bán nhỏ lẻ.
* Hàng hóa tiểu ngạch thường không có giấy tờ, hóa đơn thanh toán, hợp đồng ngoại thương. Vì vậy, rất dễ xảy ra tranh chấp về chất lượng, giá cả và các thỏa thuận khác.
* Nếu hàng hóa phục vụ cho đơn hàng thương mại điện tử thường sẽ chịu nhiều rủi ro, bị kiểm soát và thu giữ bởi cơ quan quản lý thị trường do hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng, không có chứng từ, hóa đơn đỏ.
c/ Nên vận chuyển chính ngạch hay tiểu ngạch?
Tùy vào quy mô doanh nghiệp, tính chất hàng hóa và giá trị giao dịch để lựa chọn phương pháp xuất nhập khẩu phù hợp. Tuy nhiên, nếu đề cao tính an toàn và đảm bảo cho hàng hóa, doanh nghiệp vẫn nên lựa chọn xuất khẩu chính ngạch. Đây là phương pháp giúp bạn hạn chế rất nhiều rủi ro, giúp doanh nghiệp không bị động trong quản lý chất lượng và giá cả hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, có một cách mới trong nhập khẩu chính ngạch là thông quan thương mại điện tử. Phương pháp này có nhiều lợi thế trong tiết kiệm chi phí và thời gian khi phục vụ các đơn hàng thương mại điện tử. Đây là hình thức chung mà các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki đang làm để hỗ trợ người bán bán hàng dropshipping thông qua sàn.