Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 đến nay.
Tuy nhiên, tăng trưởng cao nhất là kể từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi từ giao dịch trực tiếp chuyển trực tuyến. Đây cũng là cơ hội của dịch vụ logistics – một mắt xích then chốt không thể thiếu trong quy trình vận chuyển hàng hóa từ người bán đến người mua…
Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), trong năm 2020 TMĐT Việt Nam tăng trưởng 15%, đạt quy mô 13,2 tỷ USD, được thế giới ghi nhận là con số vô cùng ấn tượng, cao nhất Đông Nam Á, đồng thời thuộc những quốc gia có mức phát triển TMĐT cao nhất thế giới.
Đây được coi là công cụ hiệu quả để DN vượt qua những tác động khủng hoảng của dịch bệnh và cũng được xem là thành công bước đầu trong công cuộc chuyển đổi số của Chính phủ khi người tiêu dùng (NTD) đã trở nên quen thuộc với mua sắm trực tuyến.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội VECOM đánh giá: Dịch COVID -19 vừa qua đã làm hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhưng TMĐT lại phát triển mạnh mẽ theo sự đồng bộ giữa người mua và người bán. TMĐT phát triển tăng 30-35%.
Việc đưa hàng lên TMĐT được xem là yếu tố sống còn của doanh nghiệp (DN). Trước đây, phần lớn người có thu nhập cao không mua sắm online, mua sắm online chủ yếu tập trung ở đối tượng có mức chi tiêu trung bình. Tuy nhiên, từ khi có dịch COVID -19 thì số lượng người mua hàng giá trị cao cũng ngày càng tăng như mua xe honda, xe hơi, sản phẩm nghe nhìn…
Các sàn TMĐT lớn như Tiki, Sendo, Lazada, Shopee… cũng hoạt động khá nhộn nhịp, kéo theo đó là dịch vụ logistics cũng phải phát triển tương xứng. Bởi trong TMĐT, dịch vụ logistics được xem là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi liên kết từ khâu đóng gói, phân loại, vận chuyển, đến giao hàng tận tay người mua.
Tuy nhiên, với đặc điểm của TMĐT thì người bán và người mua không trực tiếp gặp mặt để giao dịch, lòng tin chưa vững, thì việc thực hiện logistics hiệu quả chính là yếu tố quyết định góp phần tạo nên lòng tin cho khách hàng như: Tỷ lệ giao hàng thành công cao, giao hàng đúng hạn hoặc trước hạn…
Để đáp ứng, một số DN đã đầu tư mạnh vào công nghệ tự động hóa logistics, xây dựng hệ thống kho bãi thông minh cùng giải pháp chuỗi cung ứng kỹ thuật số.
Điển hình như Best Inc, đầu tháng 1/2021 đưa vào vận hành trung tâm phân loại hàng hóa tự động thứ 7 tại TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 8 triệu USD. Ngày 6/11, tiếp tục đưa vào vận hành trung tâm phân loại hàng hóa tự động tại Bắc Ninh với tổng vốn 5,5 triệu USD, có tổng công suất xử lý hơn 1 triệu kiện hàng/ngày.
Với hệ thống tự động, độ chính xác trong phân loại bưu kiện đã tăng từ 80% (phân loại thủ công) lên đến hơn 99,9% và hiệu quả phân loại được tăng lên gấp 4 lần. Dữ liệu của hàng hoá sau khi ghi nhận được xử lý bởi công nghệ phân tích dữ liệu Big Data trên nền tảng điện toán đám mây BEST Cloud nhờ đó thông tin bưu kiện được giám sát chặt chẽ. Với mạng lưới dịch vụ phủ sóng khắp các tỉnh, thành cả nước, BEST Express hiện đang là đối tác của nhiều sàn TMĐT lớn như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki… và hàng chục ngàn cá nhân, đơn vị kinh doanh online.
Tương tự, tháng 7/2021 TikiNOW Smart Logistics cũng đã chính thức vận hành khu vực ứng dụng robot vào kho vận, giúp tăng gấp đôi công suất so với quy trình thủ công trước đây. Lazada cũng xây dựng một hệ thống bộ phận giao nhận riêng để không phụ thuộc quá nhiều vào các đơn vị vận chuyển khác. Với hệ thống giao nhận riêng, Lazada có thể tự vận hành và kiểm soát đơn hàng với tỷ lệ 80% đơn do chính bộ phận logistics của sàn xử lý.
Thực tế hiện nay các DN logistics có quy mô lớn, có đầu tư công nghệ hiện đại với mạng lưới phủ kín khắp các tỉnh, thành trên cả nước, vẫn còn khá khiêm tốn. Thị trường TMĐT hiện nay phần lớn vẫn là các đơn vị giao nhận, chuyển phát… có quy mô nhỏ, với rất nhiều hạn chế như: Thiếu nhân lực, giao hàng chậm, chưa xử lý kịp thời những khiếu nại của khách hàng…
Chính vì vậy, nếu TMĐT phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, các DN logistics không chuyển đổi kịp thời từ DN logistics truyền thống sang DN logistics TMĐT ứng dụng công nghệ tự động hóa, thì sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường, dễ dàng bị đẩy ra khỏi “sân chơi” khi các DN logistics ngoại đầu tư mạnh vào để cạnh tranh giành thị phần.
Có thể thấy, phát triển TMĐT, phát triển dịch vụ logistics, không phải là vấn đề của riêng DN nào mà đó là xu hướng phát triển chung. Trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng hướng đến giải pháp tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT.
Trong đó giải pháp đặt ra, yêu cầu cải tạo, phát triển hạ tầng logistics như: Cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho TMĐT, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics; khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT; nghiên cứu bài bản các giải pháp cho chuyển phát xuyên biên giới, logistics trong đô thị;…
Admin (theo báo Công an nhân dân)