Logistics ngược được thương mại điện tử thúc đẩy

Thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ khiến lượng hàng trả về nhiều đột biến, từ đó thúc đẩy logistics ngược cải tiến để phát triển.

Logistics ngược (reverse logistics) là các hoạt động liên quan đến tái sử dụng sản phẩm và nguyên vật liệu. Đó là quá trình các doanh nghiệp thu hồi hàng hóa bị trả lại, tận dụng phế liệu, phế phẩm từ vật liệu đóng gói, vận chuyển, nguyên vật liệu tái chế thu được từ người tiêu thụ cuối cùng.

logistics ngược
Logistics mang lại rất nhiều lợi ích để nhà bán hàng xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Ảnh: UTLogs

Thông thường, logistics giải quyết quá trình đưa sản phẩm tới khách hàng. Trong trường hợp logistics ngược, nguồn lực sẽ lùi lại ít nhất một bước trong chuỗi cung ứng.

Chuyên gia Steve Banker của Forbes nhận định, logistics ngược đã mang lợi nhuận hoàn toàn khác trong 12 tháng qua khi thương mại điện tử tăng trưởng đột biến. Nhiều khách hàng trả lại các mặt hàng mua trên thương mại điện tử hơn, ít nhất gấp đôi so với mua hàng truyền thống đã thúc đẩy logistics ngược. Hơn nữa, một nghiên cứu gần đây của ông Banker cho thấy, các nhà bán hàng đang bắt đầu nhận ra việc trả lại hàng phải được miễn phí.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra logistics ngược có tiềm năng lớn đối với hoạt động giữ nhà bán hàng với khách hàng. Tuy nhiên, nếu khách hàng sử dụng một vật dụng cá nhân như sản phẩm vệ sinh, có thể có nguy cơ lây nhiễm chéo khi trở về. Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, việc các nhà bán hàng áp dụng logistics ngược sẽ nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và uy tín trong mắt người tiêu dùng.

Logistics ngược gặp nhiều thách thức hoạt động vận chuyển hàng hóa thương mại điện tử do khối lượng và chi phí xử lý hoàn trả quá lớn. Nếu hoạt động hiệu quả, logistics ngược mang lại lợi ích trực tiếp, bao gồm cải thiện sự hài lòng của khách hàng, giảm mức đầu tư nguồn lực và giảm chi phí lưu kho, phân phối. Cần lưu ý, lượng hàng hóa bị trả lại thường nhiều hơn mọi người nghĩ.

Đối với các hoạt động bán lẻ truyền thống, hàng trả lại đắt gấp 3 đến 4 lần so với các chuyến hàng xuất đi. Trong một số ngành như xuất bản sách, thiệp chúc mừng, hơn 20% tổng số sản phẩm được bán ra đều trả lại cho nhà cung cấp. Với hiện trạng của logistics ngược, những cải tiến đang mở ra cơ hội giúp các nhà bán lẻ xây dựng mối quan hệ, long tin với khách hàng.

Cả logistics truyền thống và logistics ngược đều là những chức năng quan trọng của chuỗi cung ứng hiện đại. Cùng với đó, áp lực phải xây dựng trải nghiệm khách hàng tích cực buộc nhà bán hàng phải chấp nhận việc trả lại hàng luôn phổ biến. Chính vì lý do đó, ngày càng có nhiều nhà bán hàng chuyển sang dịch vụ thuê ngoài để quản lý cả logistics truyền thống và logistics ngược một cách ít căng thẳng, phức tạp và chi phí hơn.

Admin (theo báo vnexpress.net)