DN Việt bị TQ tạm dừng tư cách xuất khẩu: Vướng đâu?

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc khuyến báo, doanh nghiệp đừng để tái phạm nhiều lần dẫn đến bị dừng tư cách xuất khẩu.

Tại “Hội thảo quốc tế phổ biến cách tiếp cận và quy định mới của thị trường Trung Quốc đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu” do Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngày 15/11, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu nông sản thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Theo đó, Trung Quốc vẫn chưa mở cửa thị trường cho nhiều loại sản phẩm nông thủy sản cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc đưa ra các quy định, tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói. Mặt khác, do ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19, Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện nhập cảnh… Nông sản, thực phẩm Việt Nam hiện vẫn khó khăn trong tiếp cận hệ thống phân phối, siêu thị lớn.

Về tình trạng vi phạm khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai cho hay, giai đoạn từ 2016 đến tháng 8/2020 có hơn 13 nghìn lượt hàng hóa nhập khẩu từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ vi phạm các tiêu chuẩn quy định của Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có vi phạm các quy định tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường này. Vi phạm nhiều nhất lần lượt là các sản phẩm đồ uống (chưa tính rượu bia) chiếm gần 19%; thực phẩm sấy khô chiếm 13,44%; kẹo và sô-cô-la, thủy sản và các chế phẩm thủy sản cũng đứng ở top đầu vi phạm nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu doanh nghiệp

9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 138 lượt hàng hóa thực phẩm (chưa tính nhóm hàng rau quả) trong tổng số 1.878 lượt hàng hóa thực phẩm của các nước xuất khẩu vào Trung Quốc vi phạm (chiếm 7,3% tổng lượt hóa vi phạm). Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam nằm trong Top 10 các nước vi phạm nhưng chỉ chiếm 4,2%. Như vậy, hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vi phạm có xu hướng tăng lên.

Nguyên nhân do vi phạm các tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm như: phụ gia thực phẩm vượt quá tiêu chuẩn cho phép; kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn quy định; có vi sinh vật gây bệnh. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân vi phạm về quy trình thủ tục gồm: không đầy đủ chứng nhận theo yêu cầu nhập khẩu; sản phẩm không nằm trong danh mục nhập khẩu. Ngoài ra, còn có các vi phạm về tem nhãn, bao bì, thời hạn sử dụng….

 “Đối với sản phẩm bánh pía, trong bối cảnh dịch Covid-19, phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa tắc nghẽn tại cảng, trong khi thời hạn sử dụng bánh pía là 2 tháng, dẫn đến tình trạng khi lấy hàng hóa ra thì hàng hóa vi phạm thời hạn sử dụng”, ông Nông Đức Lai cho biết.

Cũng theo ông Nông Đức Lai, một số vi phạm trong quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với thủy sản khiến từ năm 2020 đến nay đã có hơn 30 doanh nghiệp thủy sản bị phía Hải quan Trung Quốc tạm dừng tư cách xuất khẩu.

Gần đây nhất, Trung Quốc tạm dừng tư cách xuất khẩu với 7 mã vùng trồng và 8 mã cơ sở đóng gói của Việt Nam.

“Từ khi nhận được báo cáo đánh giá kết quả điều tra nguyên nhân hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục của doanh nghiệp chúng tôi đã chuyển cho phía Hải quan Trung Quốc, nhưng đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được khôi phục lại tư cách xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp cần phải lưu ý vấn đề này. Đừng để tái phạm nhiều lần dẫn đến bị dừng tư cách xuất khẩu. Bởi đã dừng rồi thì việc khôi phục lại sẽ rất khó khăn”, báo Công thương dẫn lời ông Nông Đức Lai khuyến nghị.

Trong khi đó, đại diện Vụ thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương đã dành nhiều thời gian để thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp quy định mới của Hải Quan Trung Quốc gồm: lệnh 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu” có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo lệnh 248, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc. Trong đó, nhóm 1 gồm 18 nhóm mặt hàng phải đăng ký thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhóm 2 là thực phẩm ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1 đăng ký trực tiếp với Hải quan Trung Quốc thông qua website singlewindow.cn.

Lệnh 249 gồm các nội dung: yêu cầu đánh giá sự phù hợp; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn; cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm mình sản xuất; lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến…

Trước việc Trung Quốc siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam, nhiều ý kiến bày tỏ điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam cũng như người nông dân thay đổi tư duy từ kinh doanh đến sản xuất và các cơ quan chức năng cần vào cuộc để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, điều quan trọng tiên quyết hiện nay là cần phải nghiên cứu và nắm bắt được thông tin về nhu cầu thị trường Trung Quốc, văn hóa tiêu dùng của người Trung Quốc, những nước có sản phẩm tương đồng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm hiểu thông tin, từ đó tham mưu để có chiến lược xúc tiến thương mại nông sản hiệu quả.

Từ góc độ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp để khớp nối được dữ liệu về cung-cầu, thúc đẩy mô hình trung tâm logistics theo đối tác công-tư…

Admin (Theo báo Đất Việt)